Home

Saturday 30 June 2018

“42 Năm Sống Ở Mỹ: Được Gì Mất Gì ?” – Việt Hải Los Angeles


Tại sao ta nên đi du lịch?
Với cuộc sống mình chỉ có duy nhất một thời tuổi trẻ, đi để không phải hối tiếc khi về chiều. Có thể là sau này, khi ta trưởng thành trên xe lăn, thì mọi thứ sẽ muộn màng, không thể quay trở lại được, đó chính là những năm tháng khi tuổi còn trẻ, là dịp ta nên làm tây ba lô hãy du hành đi đó đi đây. Do vậy nên đi du lịch khi có dịp.

Này bạn, đừng ngần ngại nắm lấy các cơ hội đưa bạn đến những vùng đất mà bạn từng mơ ước hay không chỉ đơn giản là đi đến một địa phương mà bạn chưa bao giờ được đến để được cùng thấy, cùng nghe, cùng sống với người bản địa một thời lo toan, Paris, “Je suis Charlie”, hay Kabul với những phụ nữ xinh đẹp trong xiêm y truyền thống burqa bít bùng, chỉ chừa đôi mắt trần gian u uẩn… và bạn sẽ học được rất nhiều điều hay trong mỗi chuyến đi.
Gặp gỡ nhiều người dân bản địa hay khách du lịch tứ phương. Chuyến du hành tạo cơ hội cho ta gặp gỡ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Một xã hội hóa là điều kiện rất tốt để bạn có thể học hỏi và thu thêm cho mình những kiến thức từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Yêu hơn cuộc sống này hơn vì khi càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người với nhiều hoàn cảnh khác nhau giúp ta biết cảm thông với mọi người hơn và trân trọng những gì mình đang có.
Du lịch đi một đàng học một sàng khôn… Mỗi khi bạn mạo hiểm để thử một điều mới, dù thành công hay thất bại, bạn cũng đều gặt hái được cho bản thân mình những kinh nghiệm nhất định. Du lịch cũng không ngoại lệ. Việc du lịch tới một đất nước xa lạ mà bạn không có nhiều hiểu biết về nơi đó, cùng với việc bất đồng ngôn ngữ sẽ khiến hành trình trở nên khó khăn, nhưng cái hay của việc đi du lịch chính là việc không bao giờ tồn tại “thất bại”. Bạn có thể giao tiếp khó khăn với người dân bản địa, lạc đường trong thành phố, bị bắt chẹt bởi những người buôn bán ven đường, chịu đựng những trải nghiệm khủng khiếp, nhưng ít nhất bạn vẫn học được một hoặc hai điều mới mẻ về nơi đó sau chuyến đi.
Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ chính là bạn sẽ chẳng thể biết được những khía cạnh khác của cuộc sống nếu bạn lựa chọn ở trong vùng “an toàn” của mình. Những khám phá mới mẻ thú vị ẩn sâu trong xã hội rộng lớn, và bạn buộc phải bước đi để tìm kiếm. Ông cha ta đã truyền lại câu tục ngữ này từ ngàn đời nay, nhằm nhắc nhở chúng ta phải biết trau dồi kiến thức bằng cách giao tiếp, nhìn nhận vấn đề bằng nhiều góc cạnh khác nhau, học hỏi từ những người khác nhau, và mở rộng tâm trí để hướng về một cuộc sống ý nghĩa hơn. Từng bước đi, và mỗi bước khám phá mới, bạn sẽ mở mang kiến thức và trưởng thành hơn.
Những dấu ấn đầu tiên về việc đi du lịch của con người xuất hiện từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại (khoảng từ thế kỷ 8-7 trước Công nguyên đến thế kỷ 5 sau Công Nguyên). Khi đó, tuy khái niệm “du lịch” chưa ra đời nhưng các chuyến đi với mục đích du lịch đã xuất hiện. Du lịch lúc này đa phần thuộc về tầng lớp giàu có, để tham quan các công trình kiến trúc, sáng tạo nghệ thuật, học ngoại ngữ, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực mới lạ.
Thế kỷ 7, những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi Giáo đã thực hiện những chuyến đi xa vì các nhu cầu sức khỏe, tôn giáo và thăm viếng những thắng cảnh trên đường đi. Một số tác phẩm văn học kinh điển của phương Tây và phương Đông viết về giai đoạn này như The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer và Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đều dựa trên các chuyến du hành tôn giáo có thật trong lịch sử. Ở Trung Quốc, từ thời nhà Tống đã có các nhà văn, nhà địa lý chuyên viết về những trải nghiệm của họ khi đi du ngoạn bốn phương.
Ở phương Tây, năm 1271, Marco Polo đã có chuyến đi kéo dài hơn 20 năm từ Venise (Ý Đại Lợi) tới Trung Quốc và nhiều nơi ở phương Đông, trong đó có thương cảng Đại Chiêm (nay là Hội An). Tiếp đó, một loạt các chuyến hải hành và phát kiến địa lý nổi tiếng của Cristoforo Colombo, Vasco de Gama và Ferdinand Magellan đã được thực hiện. Những chuyến đi này đã mở hướng cho hoạt động lữ hành quốc tế trên phương tiện vận tải thủy.
Du hành để học hỏi thêm những điều mới mẻ, để canh tân xứ sở như Fukuzawa Yukichi Phúc Trạch 1835-1901) đổi mới nước Nhật, hay Rabindranath Tagore chuyển hóa Ấn Độ; hoặc Nguyễn Trường Tộ, Petrus Trương Vĩnh Ký, Phan Chu Trinh,… xuất dương hầu mộng canh tân đất nước. Người ta thường nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đi du lịch trong một năm có thể mang về cho bạn nhiều kiến thức hơn. Việc đọc sách giúp chúng ta có thêm những kiến thức về thế giới. Nhưng chính việc du lịch sẽ giúp chúng ta trải nghiệm thực tế những gì đọc được hay nhìn thấy qua phim ảnh. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Thế nên hãy đi, hãy trải nghiệm và trưởng thành qua từng chuyến đi. Có đi xa may rằng ta có dịp thu thập kiến thức thực tế và hợp thời đại hơn. Du lịch giúp ta có được những kiến thức thực tế và có thể là hoàn toàn mới về các nền văn hóa và lối sống khác nhau của nhiều quốc gia, mở rộng tầm nhìn của bạn và có thể giúp cho cuộc sống bạn tốt hơn. Và tùy thuộc vào điểm đến của bạn, du lịch có thể cho bạn một cái nhìn hoàn toàn mới về thành phố, quốc gia mà bạn đang đến thăm viếng hay sinh sống.
Làm giảm sự căng thẳng.
Khi chuẩn bị đi du lịch cũng là một phần của niềm vui, sự chuẩn bị làm mình phấn chấn, mong chờ. Khi đi du lịch sẽ giúp cơ thể thư giãn và giảm đi những căn thẳng, ngay cả nếu đó là một chuyến du lịch phải di chuyển nhiều hoặc tốn nhiều thời gian. Du lịch cũng có thể khiến mình mệt vì di chuyển đó đây nhiều, gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người không cùng ngôn ngữ nếu đi nước ngoài Mỹ hoặc điểm đến là một nơi rất “căng não trạng” như Jerusalem, Baghdad, Damascus, Tripoli,… thì nhưng căng thẳng đó là sự căng thẳng tích cực và duy tính thám hiểm, không phải lo lắng cho công việc làm hằng ngày và các lo toan hàng ngày của gia đình.
Thưởng thức ẩm thực địa phương.
Ngày nay ở thế kỷ 21 chúng ta có thể du hành đến nhiều nơi để dễ dàng trong việc thưởng thức đặc sản các vùng miền mà mình đặt chân đến. Như khi được thưởng thức món ăn, ngắm nhìn cảnh vật, hòa mình vào không khí trong lành, yên bình hay tấp nập nhộn nhịp của một vùng đất nào đó, mới thực sự là hưởng thụ một cách trọn vẹn.
Học hỏi kinh nghiệm hơn.
Khi qua một chuyến du lịch, hay một cuộc hành trình mình sẽ sống mỗi ngày khác hoàn toàn với những ngày bình thường. Bạn gặp những con người mới, ăn những món ăn mới, tiếp xúc với những nét văn hoá mới. Kiến thức và tâm hồn mình mở rộng để đón chào mọi thứ mới lạ. Mình sẽ học được cách thích nghi với những thay đổi, những mới mẻ xung quanh mình, học hỏi tạp quán, văn hóa xứ mình đi đến.
Văn du ký là gì?
Văn du ký cả ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài có lịch sử khá lâu đời và trong bối cảnh văn hóa xã hội từ đầu thế kỷ 20 phát triển rất mạnh, hiện vẫn đang được tiếp tục, thậm chí còn làm nên một nhánh văn học hấp dẫn.
Thực tế, khái niệm “văn du ký” cũng đã được tòa soạn Phụ Nữ Tân Văn dùng để giới thiệu du ký của Phạm Vân Anh (năm 1929), nhưng cho đến nay, chúng ta thường gặp khái niệm phổ biến “du ký sự” như loại văn tùy bút hay tạp ghi, chứ ít khi thấy nói đến “văn du ký” như đúng nghĩa “travel literature. Văn học nước Mỹ với Mark Twain như “Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer” (The Adventures of Tom Sawyer, viết năm 1876), “Cuộc sống trên sông Mississippi” (Life on the Mississippi, 1883) và “Những Cuộc Phiêu Lưu C9ủa Huckleberry Finn” (The Adventures of Huckleberry Finn, năm 1884), hay văn học nước Pháp qua Jules Verne với những tác phẩm như Voyage au centre de la Terre (Chuyến Đi Vào Tâm Trái Đất, 1864), De la Terre à la Lune (Từ Trái Đất Lên Mặt Trăng, 1865), Vingt mille lieues sous les mers (Hai Vạn Dặm Dưới Biển, 1869) và Le tour du monde en quatre-vingts jours (Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới, 1872). Năm 1863, ông viết thêm tác phẩm Paris au XXe siècle (Paris thế kỷ 20).
Với văn học Việt Nam thuở ban sơ, thể văn du ký xuất hiện nhiều trên Nam Phong Tạp Chí. Nền văn học ta khi sang đầu thế kỷ 20, nền văn học nước nhà đã có những chuyển biến như sự xuất hiện của các trào lưu văn học mới phôi thai từ những thể loại mới du nhập từ nền văn học phương Tây. Sự cách tân nền văn học được thể hiện rõ nhất qua sự phát triển và chiếm ưu thế của những thể loại văn xuôi cùng với những đổi mới mạnh mẽ trong chính các thể loại văn mới đó. Thể loại du ký hay còn gọi là thể tài du ký đã xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam từ rất sớm. Ngay trong nền văn học trung đại, người ta đã thấy xuất hiện các bài thơ, những bài phú, với nội dung ghi chép lại những sự kiện du hành, cũng như những danh lam thắng cảnh trong các cuộc du hành của những người lữ khách. Đặc biệt vàa cuối thế kỷ 19, với sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm như: Thượng Kinh Ký Sự của Lê Hữu Trác, Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ, Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Dậu của Trương Vĩnh Ký thể tài du ký mới dần phát triển. Nhưng phải tới mấy thập niên đầu của thế kỷ 20, thể tài du ký mới thực sự thành một dòng chảy liên tục, mà công đầu là của ông chủ bút báo Nam Phong. Đầu thế kỷ 20, nhờ giao thông phát triển, việc giao thoa, trao đổi văn học được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho các nhà văn hay thơ du ký. Từ đó nhiều tác phẩm du ký đã được ra đời. Trong mỗi tác phẩm du ký, nhất là đằng sau những bức tranh danh lam thắng cảnh, thường chứa đựng những nỗi niềm nhận định về quê hương mến yêu, những cảm nhận chân thành của người viết về tình tự quê hương đất nước, về cuộc sống. Do bởi ý mong muốn đem những nét chân thiện mỹ trong từng dặm đường của đất nước để chia sẻ với người đọc; cũng như muốn lưu giữ lại những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau, Phạm Quỳnh đã tạo một mục du ký trên Nam Phong tạp chí. Mục du ký đã liên tục được đăng tải với sự đóng góp của nhiều cây bút nổi tiếng như: Nguyễn Bá Trác, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Tùng Vân, Trần Trọng Kim Trải qua 17 năm (1917 – 1934), đã có 62 tác phẩm du ký được in trên Nam Phong tạp chí với những nội dung rất phong phú.
Gân đây tôi được dịp đọc lại văn của nhà giáo, nhà văn Lê Thanh Hoàng Dân, Ông Giáo, emcee host, TV show xịn.
Trân trọng giới thiệu sách mới: “42 Năm Sống Ở Mỹ: Được Gì Mất Gì?”, tác giả Lê Thanh Hoàng Dân.
VHLA

No comments:

Post a Comment