Home

Thursday 12 October 2023

Sự tái sinh của năng lượng hạt nhân? Nỗ lực làm cho năng lượng hạt nhân thời thượng trở lại

Khủng hoảng năng lượng thúc đẩy đánh giá lại các chính sách hạt nhân

Bốn trong số các tháp giải nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Dukovany vươn cao trên khung cảnh thiên nhiên xung quanh ở Dukovany, Cộng hòa Czech, ngày 27/09/2011. (Ảnh: Petr David Josek/AP Photo)

 Chase Smith
Chase Smith

Mục lục
1-Hoa Kỳ tài trợ cho năng lượng hạt nhân
2-Làm hạt nhân thời thượng trở lại
3-Các vị thần thế giới cũ và năng lượng hạt nhân
4-Đức chối bỏ hạt nhân
5-Triển vọng tích cực
6-Còn về an toàn thì sao?

Trong khi một số quốc gia đã từ bỏ năng lượng hạt nhân do sự bất ổn về giá và nguồn cung cấp năng lượng, thì năng lượng hạt nhân đang chứng kiến sự quay trở lại.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu leo ​​thang bắt đầu từ năm 2021 đã dẫn đến giá khí đốt và dầu cao kỷ lục, lạm phát gia tăng, và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm nhu cầu năng lượng tăng cao sau khi phục hồi kinh tế, thời tiết, công việc bảo trì bị trì hoãn do đại dịch, giảm đầu tư của các công ty dầu mỏ và khí đốt và căng thẳng chính trị.

Châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề vì phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước cuộc chiến ở Ukraine và các quốc gia như Đức đã từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Chính phủ cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden trong những năm gần đây cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập cảng từ ngoại quốc, với việc chính phủ ông Biden đang thúc đẩy thêm các nguồn năng lượng sạch hơn than và khí đốt.

Theo báo cáo của IEA, châu Âu, Hoa Kỳ, và các quốc gia phương Tây khác đã đề ra các chương trình lớn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Hoa Kỳ tài trợ cho năng lượng hạt nhân

Hôm 20/07, Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua Dự luật Phân bổ ngân sách cho Năng lượng và Nước cho năm tài khóa 2024, phân bổ 2.7 tỷ USD cho năng lượng hạt nhân.

Thông cáo cho biết, dự luật gồm tài trợ bổ sung cho các lò phản ứng module nhỏ (SMR) và sự sẵn có của nhiên liệu hạt nhân cao cấp để giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào các nguồn uranium của ngoại quốc.

Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), thành viên cao cấp của Tiểu ban Phân bổ ngân sách Phát triển Năng lượng và Nước, cho biết trong một tuyên bố, “Dự luật này tăng đầu tư của Hoa Kỳ vào các chương trình quốc phòng trọng yếu lên 6%, tăng đầu tư của chúng ta vào năng lượng hạt nhân và sản xuất các nguồn nguyên liệu của loại năng lượng này ngay tại quê nhà, đồng thời cắt giảm các khoản chi tiêu phi quốc phòng hoang phí.”

Các công nghệ năng lượng hạt nhân mới như SMR và lò phản ứng siêu nhỏ có vẻ sẽ cải thiện các nhà máy điện hạt nhân lớn, cồng kềnh, và cũ kỹ bằng các lò phản ứng có diện tích nhỏ hơn nhiều và có thể được áp dụng trong các hoạt động công nghiệp từ xa, các dự án khai thác mỏ, căn cứ quân sự, và các khu cứu trợ thiên tai.

Làm hạt nhân thời thượng trở lại

Thêm vào một góc nhìn mới cho những nội dung trước đây về chủ đề này, ông James Walker, Giám đốc điều hành của Năng lượng hạt nhân NANO, cho rằng các lò phản ứng vi mô có thể mang lại cách mạng sản xuất năng lượng toàn cầu.

Ông Walker cùng người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành công ty, ông Jay Jiang Yu đã nói chuyện với The Epoch Times về tiềm năng của các lò phản ứng vi mô trong việc cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng, và đáng tin cậy cho các địa điểm xa xôi.

Các lò phản ứng mà họ đang thiết kế sẽ có kích thước bằng một container vận chuyển, mà họ cho biết là một lựa chọn thiết kế có chủ ý.

“Nếu quý vị nghĩ về một container ISO [vận chuyển] dài 20 feet, thì cốt lõi của chúng ta và nhà máy của chúng ta sẽ nằm trong hai container đó,” ông Walker nói. “Lý do tại sao chúng tôi đang làm việc theo kích thước của container ISO là để chúng tôi có thể vận chuyển khắp thế giới bằng cách sử dụng các tàu vận tải lớn, tàu hỏa, và xe tải.”

Trọng tâm của công ty không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn mở rộng ra các nơi khác trên thế giới. Ông Walker đã đề cập đến châu Âu và châu Phi là những thị trường quan trọng của công ty.

Ví dụ, ở châu Phi, phần lớn lục địa bị loại bỏ khỏi lưới điện, cản trở sự phát triển. Lò phản ứng vi mô có thể cung cấp năng lượng cho các cơ sở như nhà máy khử muối hoặc bệnh viện ở những địa điểm xa xôi.

Các vị thần thế giới cũ và năng lượng hạt nhân

Để thực hiện sứ mệnh làm cho năng lượng hạt nhân thời thượng trở lại, ông Yu cho biết việc đặt tên cho hai lò phản ứng của họ là rất quan trọng.

Họ cho biết, các sản phẩm trong quá trình phát triển kỹ thuật của NANO Nuclear được gọi là Zeus, một lò phản ứng pin lõi rắn, và Odin, một lò phản ứng làm mát áp suất thấp, mỗi sản phẩm đều đại diện cho những bước phát triển nâng cao trong các lò phản ứng vi mô hạt nhân tân tiến, có khả năng di động theo yêu cầu.

Lò phản ứng Vi mô Tân tiến Di động Hạt nhân NANO có tên Zeus. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của công ty Năng lượng hạt nhân NANO)
Lò phản ứng Vi mô Tân tiến Di động Hạt nhân NANO có tên Zeus. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của công ty Năng lượng hạt nhân NANO)

“Ai lại đi đặt tên cho lò phản ứng của họ là Zeus và Odin?” ông Yu nói. “Không ai làm thế cả. Chúng tôi còn trẻ. Chúng tôi là những doanh nhân trẻ và là thế hệ mới trong ngành công nghiệp hạt nhân. Mọi người không quan tâm đến toàn bộ các tên kỹ thuật, vậy tại sao không gọi nó là Zeus? Mọi người muốn điện không có carbon. Đó là toàn bộ những gì họ quan tâm.”

Cả ông Walker và ông Yu đều mang đến chuyên môn độc đáo cho công ty.

Ông Walker, với kiến ​​thức nền tảng về vật lý và kỹ thuật hạt nhân, đã làm việc cho Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, nơi ông là trưởng dự án và quản lý xây dựng Nhà máy Hóa chất Hạt nhân Rolls-Royce mới và đã nghiên cứu về thế hệ tiếp theo của tàu ngầm năng lượng hạt nhân.

Ông Yu, người sáng lập công ty, đã sử dụng kinh nghiệm ở Wall Street và động lực kinh doanh của mình để tập hợp nhóm lại với nhau nhằm biến các lò phản ứng của NANO trở thành một giải pháp đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng không carbon trong tương lai.

Nhìn về phía trước, Năng lượng hạt nhân NANO nhắm mục tiêu hoàn thiện các thiết kế lò phản ứng vi mô vào cuối năm nay và dự kiến ​​sẽ sớm chuyển sang thử nghiệm vật lý và ra mắt ngay sau đó.

Bất chấp quy trình cấp phép kéo dài, một khi đi vào hoạt động vào khoảng năm 2030, ông Walker dự đoán công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực như châu Phi và châu Á, nơi những dải đất rộng lớn bị loại bỏ khỏi lưới điện.

Có phải năng lượng hạt nhân chưa được chứng minh?

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dẫn đến việc đánh giá lại các chính sách và ưu tiên năng lượng, có khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Cả ông Walker và ông Yu đều kiên quyết rằng hạt nhân — và đặc biệt là các lò phản ứng siêu nhỏ và SMR — sẽ được áp dụng rộng rãi do chi phí của chúng so với khí đốt và than đá, cùng với triển vọng cung cấp điện cho các vùng sâu vùng xa.

Trong khi Hoa Kỳ đang đầu tư vào hạt nhân, không phải toàn bộ các nước phương Tây đều đồng thuận về con đường phía trước.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Úc Chris Bowen gần đây đã lập luận phản đối việc đưa năng lượng hạt nhân vào hỗn hợp năng lượng của Úc, viện dẫn các vấn đề về chi phí, tính linh hoạt, và chất thải. Ông đã đi xa đến mức gán nhãn hạt nhân là “chưa được chứng minh” trong một bài diễn thuyết trước Hội đồng Năng lượng Sạch.

“Quá trình xây dựng diễn ra chậm và một khi đã được xây dựng thì không thể dễ dàng bật và tắt, do đó, năng lượng hạt nhân thực sự vô dụng khi đạt đỉnh và ổn định,” ông nói. “Mặc dù nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng năng lượng hạt nhân chưa được chứng minh.”

Ông khẳng định rằng năng lượng tái tạo, bất chấp những thách thức về lưu trữ và truyền tải, vẫn tiết kiệm chi phí hơn cho Úc.

Đức chối bỏ hạt nhân

Ông Walker cho biết con đường mà nước Đức đã đi trong vài năm qua là tấm gương cho các quốc gia khác về những điều không nên làm. Đức đóng cửa nhà máy hạt nhân cuối cùng trong năm nay và vì thế quốc gia này phải tăng cường đốt nhiên liệu hóa thạch.

Đức cũng phụ thuộc vào việc mua năng lượng từ các quốc gia như Pháp, quốc gia phụ thuộc nhiều vào hạt nhân và là nhà xuất cảng điện ròng.

Ông Chris Bowen, bộ trưởng đặc trách năng lượng và biến đổi khí hậu của Đảng Lao Động, nói trước giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Nghị viện ở Canberra, Úc, hôm 16/06/2022. (Ảnh: AAP/Lukas Coch)
Ông Chris Bowen, bộ trưởng đặc trách năng lượng và biến đổi khí hậu của Đảng Lao Động, nói trước giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Nghị viện ở Canberra, Úc, hôm 16/06/2022. (Ảnh: AAP/Lukas Coch)

Trái ngược với Đức, hơn 60% lượng điện của Pháp trong năm 2022 đến từ các nhà máy điện hạt nhân, đánh dấu tỷ lệ điện hạt nhân cao nhất trong tổng sản lượng điện trên toàn thế giới.

Ngay cả nhà hoạt động khí hậu tuổi teen gây chia rẽ Greta Thunberg cũng chỉ trích Đức vì đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và thay thế các nhà máy này bằng than và khí đốt.

Triển vọng tích cực

Bất chấp sự hoài nghi của bộ trưởng Úc và việc Đức quay lưng lại với hạt nhân, ông Walker vẫn tự tin về hiệu quả chi phí của các lò phản ứng siêu nhỏ, đặc biệt là so với năng lượng do động cơ diesel tạo ra.

Nói về lập trường hiện nay của Hoa Kỳ, ông Walker cho biết “Hoa Kỳ thực sự đang đi theo hướng ngược lại. Họ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của mình, tạo ra nguồn tài trợ hết sức lớn trực tiếp cho hạt nhân để tránh phụ thuộc vào các quốc gia thù địch.”

Ông Yu đề cập rằng Hoa Kỳ “quan tâm đến việc củng cố chủ quyền năng lượng của mình hơn là dựa vào các nguồn cung cấp uranium ở ngoại quốc. Chúng ta đang chứng kiến ​​sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với các công ty công nghệ hạt nhân tân tiến như NANO Nuclear.”

Còn về an toàn thì sao?

Một vấn đề với việc làm cho năng lượng hạt nhân trở nên “thời thượng” trở lại là xua tan những lầm tưởng về tính an toàn của loại năng lượng này.

“Thật không may, năng lượng hạt nhân bắt đầu vòng đời khi quá gắn liền với chính phủ, vốn không quan tâm đến việc truyền đạt về thực tế của công nghệ này,” ông Walker nói. “Chưa bao giờ có một chiến dịch PR đằng sau năng lượng hạt nhân, dẫn đến nhiều lầm tưởng về tính an toàn và sự sản sinh chất thải của loại năng lượng này.”

Một số nhà bảo vệ môi trường và các nhóm khí hậu quyết liệt chống hạt nhân, gồm cả Greenpeace, tổ chức tuyên bố rằng “năng lượng hạt nhân không có chỗ trong một tương lai an toàn, sạch sẽ, bền vững,” đồng thời nói thêm rằng năng lượng hạt nhân “vừa đắt đỏ vừa nguy hiểm.”

Ông Yu cho biết năng lượng hạt nhân “ngay từ đầu đã bị lạm dụng như một loại vũ khí hủy diệt, trong khi trên thực tế, hạt nhân là nguồn năng lượng phụ tải căn bản có thể tạo ra năng lượng không có carbon mà chúng ta cần để chống lại sự nóng lên toàn cầu.”

Ông Walker cũng có cùng quan điểm, chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân đã có thành tích an toàn ưu tú thậm chí so với cả phong năng và quang năng.

Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Grohnde gần Grohnde, Đức, hôm 29/12/2021. (Ảnh: Julian Stratenschulte/dpa qua AP)
Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Grohnde gần Grohnde, Đức, hôm 29/12/2021. (Ảnh: Julian Stratenschulte/dpa qua AP)

“Năng lượng hạt nhân thực sự là dạng năng lượng an toàn nhất hiện có. Nếu quý vị nhìn vào số trường hợp tử vong gây ra trên mỗi gigawatt giờ, thì năng lượng hạt nhân an toàn hơn phong năng và quang năng,” ông Walker nói. “Đó cũng là loại nhiên liệu hoặc nguồn năng lượng duy nhất mà tất cả chất thải của quý vị được tính đến nguyên tử cuối cùng. Đó là một loại năng lượng phát thải carbon bằng không, đậm đặc hơn khoảng 1,000 lần so với dầu mỏ.”

Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết “nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng bẩn nhất và nguy hiểm nhất, trong khi các nguồn năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo hiện đại an toàn và sạch hơn rất nhiều.”

Khi xét đến dữ liệu của nghiên cứu này, thì các dữ liệu cho thấy rằng nếu tính đến các rủi ro liên quan đến phát thải khí nhà kính, năng lượng hạt nhân trở nên an toàn và sạch hơn cả thủy điện và năng lượng sinh khối.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

No comments:

Post a Comment